Thông thường cứ mỗi khi tăng lương, giá cả một số mặt hàng trên thị trường lại tăng theo và gây áp lực đến lạm phát. Tăng lương lần này tuy có mức tăng cao nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế sẽ tác động không nhiều nhờ chính sách điều hành giá linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ. Những tác động cũng đã được dự báo trước ngay từ khi xây dựng chính sách nên lạm phát năm nay vẫn nằm trong mục tiêu đã được Quốc hội cho phép.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022 tổng số lao động làm việc tại khu vực kinh tế Nhà nước là 4 triệu người chiếm gần 8% trên tổng số 50,6 triệu lao động của cả nước. Tăng lương cơ sở lần này tuy có làm cho giá cả tăng đôi chút nhưng chỉ một thời gian sau giá cả sẽ ổn định trở lại và không gây áp lực đáng kể đến lạm phát.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết: "Việc tăng lương đợt này chỉ liên quan đến khu vực công mà khu vực công chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thể nền kinh tế nên tác động của nó không quá lớn, đặc biệt cầu tiêu dùng trong những quý vừa qua tăng dưới 5%. Khả năng các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá".

Trước khi tăng lương, Chính phủ cũng đã liên tục họp bàn và chỉ đạo các cơ quan không được để thiếu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện…. Các Bộ, ngành cũng chủ động điều hành nhịp nhàng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý như viện phí, học phí, xăng dầu và tăng cường thanh kiểm tra thị trường, kiểm tra kê khai giá và thực hiện chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

TS. Tô Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia nhận định: "Sản xuất những mặt hàng thiết yếu thì doanh nghiệp sản xuất đó cần phải được quan tâm hỗ trợ để cho họ có yếu tố bền vững, đừng để họ tăng giá lên, bởi tăng giá thì ý nghĩa tăng lương không còn".

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nêu ý kiến: "Phải có những trợ lực thông qua thuế, giảm chi phí đóng góp trưc tiếp, giãn hoãn những nghĩa vụ tài chính liên quan đến ngân hàng. Hoặc kích cầu về thương mại tiêu dùng để doanh nghiệp quay vòng dòng tiền tốt hơn".

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh giá áp lực lạm phát khi tăng lương, phải đặt trong bối cảnh cụ thể: tăng trưởng kinh tế khá, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào cùng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất của Chính phủ sẽ góp phần ổn định giá cả thị trường. Vì thế, về tổng thể mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay từ 4% - 4,5% đã đặt ra là khả thi.